Những lễ hội quanh Hà Nội với sự giao thoa của văn hóa Thăng Long- Kinh Bắc- Xứ Đoài vẫn còn vẹn nguyên giá trị giữa những xô bồ.
+ Hội gò Đống Đa - Mồng 5 Âm lịch
Hội gò Đống Đa diễn ra tại gò Đống Đa, phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội). Lễ hội tưởng nhớ chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa của Quang Trung hoàng đế trước quân xâm lược nhà Thanh.
Bởi vậy, lễ hội có nhiều tục trò liên quan tới việc bày binh bố trận với trống chiêng cờ xí. Môn cờ người thể hiện mưu trí binh pháp cũng được tổ chức thường xuyên ở lễ hội. Đồng thời, những trò chơi dân gian đề cao tinh thần thượng võ cũng là điểm riêng có của hội gò Đống Đa.
+ Lễ hội chùa Hương- Mồng 6 Âm lịch
Lễ hội chùa Hương bắt đầu từ mồng 6 đến hết tháng 3 Âm lịch. Lễ hội đặc biệt đông trong những ngày đầu năm. Trong những ngày này, du khách đến chùa để nguyện ước những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Vào lúc cao điểm này, du khách nên cẩn trọng với tư trang, hành lý. Việc đảm bảo an toàn, luôn mặc áo phao, không lên thuyền qua đông khi đi trên suối Yến cũng là điều nên làm.
Chùa Hương ngự ở xã Hương Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ngoài sự linh thiêng, chùa Hương còn có phong cảnh rất đẹp. Du khách có thể chọn những khi bớt cao điểm (từ Rằm Âm Lịch tới tháng 3) đến chùa để vừa vãn cảnh non nước, vừa gửi những lời cầu ước mùa Xuân.
+ Lễ hội đền Sóc- Mồng 6 Âm lịch
Lễ hội đền Sóc tổ chức tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Theo truyền thuyết, đây là nơi Thánh Gióng bay về trời.
Dulichgo
Cũng bởi vậy, lễ hội được nhiều người tìm đến để cầu nguyện sức khỏe, ý chí vươn cao trong năm mới. Tham gia lễ hội đền Sóc, ngoài cầu nguyện, du khách cũng có thể trải nghiệm leo núi lên đỉnh núi Sóc- nơi tương truyền Thánh Gióng bay về trời.
Những năm gần đây, nghi lễ cướp lộc đầu năm (hay còn gọi là cướp hoa tre) của lễ hội đền Sóc bị biến tướng thành các màn ẩu đả của các thanh niên địa phương. Du khách không nên tới gần khu vực này nếu tham dự lễ hội.
+ Lễ hội Yên Tử- Mồng 10 Âm lịch
Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch.
Non thiêng Yên Tử là nơi vua hóa Phật khi vua Trần Nhân Tông về đây tu luyện và khai sinh ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử. Bởi vậy, lễ hội Yên Tử vẫn được coi là nguyên khí Việt.
Với tính chất linh thiêng, lễ hội Yên Tử không thật nhiều trò chơi dân gian. Nhưng, du khách cần rất lưu ý trong việc phục trang tham gia lễ hội. Do phải leo lên chùa đồng khá cao và dốc, giày cao gót, dép lê là lựa chọn không thật tốt. Đồng thời, váy ngắn, quần short cũng không nên vận khi tới non thiêng.
+ Lễ hội đền Trần- Ngày 12 Âm lịch
Lễ hội đền Trần diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội nổi tiếng với tục khai ấn đền Trần. Nhiều người tin rằng, tấm ấn đền Trần trong ngày hội Xuân sẽ giúp chủ sở hữu có một năm thuận buồm xuôi gió trong công việc.
Dulichgo
Du khách cân nhắc rất kỹ khi tham gia lễ khai ấn đền Trần. Bởi, giờ khai ấn là lúc du khách tụ tập rất đông trong khoảng không gian hẹp. Hiện tượng giẫm đạp lên nhau vẫn thường xảy ra. Nên, với những người có sức khỏe không thật tốt, tham gia lễ khai ấn đền Trần có phần nguy hiểm.
Đặc biệt, trong lễ hội, nhiều lá ấn giả cũng được người dân bên đường bán ra để đánh lừa du khách. Còn những lá ấn đền Trần “thật” được “ban” ở các quầy do BTC sắp xếp. Tuy luôn khẳng định không bán, song, để có những lá ấn đền Trần, du khách đều phải gửi tiền vào “hòm công đức”, trước mặt những người phát các lá ấn. Số lượng lá ấn tùy thuộc số lượng tiền công đức.
+ Lễ hội Lim- Ngày 13 Âm Lịch
Hội Lim diễn ra trên địa bàn huyện Tiên Du (Bắc Ninh)- cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 20 km. Hội Lim nổi tiếng với các màn diễn xướng quan họ. Tuy nhiên, gần đây, lễ hội này gây tranh cãi bởi việc các lán quan họ dùng loa thùng quá to để “át tiếng” nhau. Điều này khiến du khách không được hưởng trọn vẹn không gian diễn xướng đúng nghĩa.
Nếu du khách muốn nghe hát quan họ giao duyên mộc đúng nghĩa, du khách có thể tìm tới nhà ông Nguyễn Hữu Bể. Tại đây, trong đêm 12- rạng sáng ngày 13 tháng Giêng, các liền anh liền chị trong khu vực tới hát canh giao duyên thâu đêm. Chủ nhà rất niềm nở đón khách, bố trí chỗ ngồi, đồ ăn thức uống để du khách có thể thưởng trọn ý nghĩa của di sản phi vật thể đại diện của nhân loại này.
+ Lễ hội Minh Thề- Ngày 14 Âm lịch
Sau lễ hội “mua” lá ấn thuận lợi trên đường hoạn lộ là lễ hội Minh Thề- thề minh bạch, không tham nhũng. Nghịch lý, nếu như lễ hội đền Trần được người dân đổ dồn về xếp hàng “xin” lá ấn bằng tiền công đức thì lễ hội thề không tham nhũng không thật đông du khách.
Dulichgo
Lễ hội diễn ra tại khu di tích quốc gia Đền chùa Hòa Liễu, thuộc thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Trình tự nghi lễ của lễ hội Minh Thề rất thú vị: Trưởng làng cầm dao vạch quanh vòng tròn, sau đó đâm vào chính giữa vòng tròn đó để biểu lộ sự quyết tâm.
Rồi ông đọc hịch: “Chúng tôi gồm những người làm việc công của làng, họp trước đền theo tục lệ uống máu ăn thề, xin thề các điều sau: Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử! Y như lời thề…”
Theo Mỹ Mỹ (Thể Thao Văn Hóa)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét