Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Ăn Tết với người Mông trên núi

Mâm cơm Tết của đồng bào người Mông có thể là thịt gà, canh cải, đậu phụ, rau cải đắng, thịt treo gác bếp, hoặc có khi chỉ là mèn mén.

< Một phụ nữ Mông đi chợ huyện Mèo Vạc trước Tết mang về một con gà.

Chúng tôi tới Hà Giang trước Tết Nguyên đán 2 tuần lễ, đây cũng là thời điểm nhiều gia đình ở xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc đang trong những ngày Tết truyền thống. Thời gian ăn Tết với đồng bào Mông trên Hà Giang có thể kéo dài cả tuần lễ, ăn Tết xong, họ sẽ bắt đầu lên nương để phát cỏ, chọc đất, gieo ngô cho vụ mới.

< Sắc đào nở hồng trên những mái nhà ở Hà Giang mỗi khi Tết đến xuân về.

Chúng tôi lấp ló phía trước ngôi nhà của anh Giàng Mí Sếnh và chị Li Thị Bảy khi cả nhà đang quây quần quanh một chiếc bàn hình chữ nhật. Căn nhà rất thấp, ánh sáng bên ngoài không thể len vào bên trong được. Chúng tôi không nhìn rõ mặt ai, nguồn sáng trong nhà chỉ là chiếc bếp củi cháy liu riu.

“Làm một chén rượu đi”, một thanh niên nói tiếng Kinh rất rõ đề nghị. Chủ nhà kéo thêm hai chiếc ghế nữa, thế là mọi người cùng ngồi xúm quanh chiếc bàn, cả người lớn và trẻ con, khoảng chục người.

< Người Mông treo thịt lợn ngay trên bếp để ăn Tết.

Mâm cơm Tết có một đĩa thịt gà luộc, một ít thịt treo gác bếp rang, đậu phụ kho, rau cải nấu canh, rất tươm tất. Đàn bà, con gái cũng uống rượu. Mà phải uống bằng bát. Rượu được hâm nóng trong một chiếc nồi nhôm nhỏ, rồi cứ thế múc ra, mỗi người ực một hơi, hết cả bát, khói còn bay lên khi người ta “khà” một tiếng, thích thú và thỏa mãn.

“Cứ làm nông xong lúc nào thì ăn Tết lúc đó. Ăn Tết kéo dài mấy ngày là theo ý của chủ nhà. Đây là bà con họ hàng”, anh Giàng Mí Sếnh nói.
Dulichgo
Chúng tôi bước ra ngoài, mới có 5 giờ chiều nhưng cao nguyên đá đã buốt lạnh và xám xịt. Những cánh hoa đào run run trong sương. Hà Giang rét, rét buốt, càng khiến những bữa rượu ăn Tết của nhiều gia đình kéo dài liên miên.

< Và nhất định phải uống rượu.

Thịt treo gác bếp như một "thước đo" Tết to hay nhỏ của đồng bào Mông nơi đây. Năm nào, nhà có nhiều thịt treo, năm đó là Tết xôm tụ. Ngược lại, năm nào bếp trống trơn, đó là năm cái nghèo đói ''ăn cắp'' mất Tết của người già, con trẻ.

< Ông Vừ Chứ Ná và bà Vừ Thị Già.

Chúng tôi gõ cửa nhà ông Vừ Chứ Ná, 61 tuổi và bà Vừ Thị Già 52 tuổi khi bóng tối đã phút chốc ập xuống miền núi đá Mèo Vạc. Gió lạnh cứng người. Hai ông bà đang ngồi cạnh nhau bên một bếp củi, bên trên là một ấm nước đang reo. Ông biết một ít tiếng Kinh và nói lơ lớ, bà không hiểu chúng tôi nói gì, chỉ ra hiệu là mời vào, ngoài trời rất lạnh.

Căn nhà thấp hơn cả căn nhà chúng tôi ghé lúc chiều, nó cũng nhỏ hơn, kê một cái giường và vô vàn đồ đạc, nào gùi, nào bao tải, vách nhà treo la liệt những túm đỗ để làm giống. Phía trong nhà còn là một chuồng nuôi gia súc, gia cầm, mấy con chó, con gà ở chung với nhau, rét cóng, con nào cũng co ro.

< Bà Già đang canh siêu nước sôi trên bếp.
Dulichgo
“Ăn cơm chưa, nấu cơm nhé?”, ông Vừ Chứ Ná chỉ tay lên dải thịt lợn treo vàng ươm trên bếp. Chúng tôi gật đầu. Ông Ná lấy một ít gạo trắng đổ vào chiếc nồi nhôm, bắc lên bếp. Lúc chờ cơm sôi thì lấy con dao, xẻo một khúc thịt trên bếp xuống. Con dao sắc bén, một lát cắt ngọt để lộ ra khoanh thịt đỏ hồng, như thịt hun khói chúng tôi thường thấy trong siêu thị.

Bà Già giúp ông Ná dội nước sôi lên miếng thịt, ông Ná cạo hết lớp bụi đen bám vào, rồi kê thớt, thái số thịt thành từng miếng nhỏ, cho hết vào một cái chảo sâu lòng. Chúng tôi háo hức nhìn, ông Ná cười: “Thịt ăn Tết''.

< Ông Ná thái thịt nấu cơm.

Bếp lửa cháy bập bùng. Ông Ná kể chuyện hàng tháng đi bộ xuống chợ huyện Mèo Vạc ra sao, ở đây chống chọi với cái lạnh thế nào, chúng tôi bóc mấy gói snack mang theo mời ông ăn, người đàn ông gật gù: “Cái này ngon nhỉ”.

Chảo thịt cứ thế nấu chín trên bếp mà không phải cho thêm bất cứ gia vị gì, không dầu mỡ, không mắm muối, bột ngọt. Mùi thơm hấp dẫn bay khắp nhà.

< Canh cải rừng trồng trên núi đá tai mèo.

Cơm được dọn ra trên một chiếc bàn gỗ (hầu như nhà nào cũng có chiếc bàn này), có một đĩa thịt rang, một tô canh cải đắng, một nồi cơm trắng tinh, thơm phức và một gáo rượu (ông Ná đun nóng rượu ngô rồi cho vào một chiếc gáo bằng nhựa).

“Uống đi, cho ấm”, ông Ná giục. Bà Già ực một cái, bát rượu bốc hơi. Chúng tôi nhấp môi, ông bà Ná cười ha ha rồi nói với nhau mấy câu tiếng Mông.

< Nhịp sống bình yên trong những căn nhà trên núi đá tai mèo.
Dulichgo
“Chúng tôi ở đây lâu lắm rồi. Vợ cả tôi chết, tôi lấy bà này là bà hai. Bây giờ tôi có tổng cộng 10 đứa con, cháu thì nhiều lắm, không nhớ hết. Các con cháu đi làm xa hết, thi thoảng cho tiền mua gạo, không thì chúng tôi trồng ngô, đỗ, làm được gì, ăn nấy”, ông Ná nhâm nhi.

Ngoài kia là núi đá tai mèo, là sương giăng, là những con đường uốn lượn trong mây. Ở trong mái nhà tranh, giữa cao nguyên đá này, chúng tôi đã nhìn thấy những hạnh phúc giản dị như chính cuộc sống của cặp vợ chồng nghèo.

Theo Thúy Hằng - Lê Nam (Thanh Niên)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét