Ngàn Nưa (thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) không chỉ là nơi năm xưa Bà Triệu khởi binh chống lại ách đô hộ của Đông Ngô, mà tương truyền trên đỉnh Am Tiên ở Ngàn Nưa có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước ta.
Chủ sơn của xứ Thanh linh địa
Chúng tôi ngược dốc Ngàn Nưa lên đỉnh Am Tiên vào buổi sáng mai khi hơi sương còn giăng kín lối đi. Am Tiên mùa này thưa vắng khách thăm, không gian của núi thiêng nhuốm vẻ hoang sơ, u tịch như trong những câu chuyện thần tiên, kỳ bí lưu truyền ở vùng Kẻ Nưa - Cổ Định. Trong cảnh sắc mờ ảo sương khói, Ngàn Nưa hiện lên trầm mặc, với những thác nước trắng xóa như từ giữa biển mây đổ xuống những trảng rừng mờ đục xa xa.
Sương dần tan, đứng trên đỉnh Am Tiên, ở độ cao 538 m so với mực nước biển, nhìn xuống vùng đồng bằng Nông Cống, Triệu Sơn với đồng ruộng, xóm thôn thật yên bình. Này là dòng Lãn Giang hiền hòa tưới mát những cánh đồng trù mật, xanh ngắt. Đây là giếng Tiên, ao Hóp, nơi các nàng tiên tắm mát trước khi trở về trời. Kia là núi Tía, núi Lễ Động gắn liền với truyền thuyết ẩn sĩ Tu Nưa nhiều pháp thuật, hóa thành chim hạc bay về trời...
Ông Lê Bật Sơn, thủ từ đền Am Tiên, cho biết nơi đây là đỉnh cao nhất của Ngàn Nưa. Ngày xưa, để lên lễ Phật, lễ tiên, lễ thần linh, lễ Thánh Mẫu... khách hành hương phải đi bộ non nửa ngày, vượt qua 7 ngọn núi hiểm trở. Còn theo nhà nghiên cứu sử học Phạm Tấn, trong tín ngưỡng tâm linh, từ xưa Ngàn Nưa vẫn được xem là núi thiêng và là trung tâm của đạo Tu Tiên (biến thể của đạo Lão), đạo Phật, đạo Mẫu, đạo thờ thần... từng rất thịnh. Hơn thế, Ngàn Nưa vẫn được người xưa ví là chủ sơn (núi chủ) của Ái Châu - xứ Thanh linh.
Dulichgo
Sử cũ còn ghi, chính ở Ngàn Nưa linh thiêng, năm 248, Bà Triệu cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt đã tập hợp nghĩa sĩ, luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Đông Ngô, giành lại giang sơn, xã tắc. Dù cuộc khởi nghĩa thất bại và sau đó, Bà Triệu phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, H.Hậu Lộc, Thanh Hóa) nhưng hình ảnh người phụ nữ phi thường với câu nói đầy khí phách: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” vẫn còn mãi vang vọng.
Huyền tích ẩn sĩ tu tiên
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Ở Tinh Mễ, xã Quần Ngọc phía tây của huyện Nông Cống (nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn - PV) có tên gọi là khu Na Sơn (núi đuổi ma). Tương truyền núi có nhiều ma quỷ nhưng rồi một vị sơn tăng đến đây đọc chú, dần dần ma quỷ biến mất đi nên có tên gọi như thế. Mạch núi vốn được bắt nguồn từ huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân) đổ lại, từng dãy liền tiếp, dài suốt mười mấy dặm. Nơi đây có 4 ngọn nước đổ dồn, nhà phong thủy nói bảy phiến long, bảy phiến hổ tức là nơi này. Trên ngọn cao chót vót của dãy núi có một ngôi chùa cổ, tục gọi là Am Tiên. Phía tả có cái động, tối mà sâu, dài mà hiểm. Triều Trần có một người hái củi ẩn cư nơi đó, có người gọi là Hoàng My tiên sinh...”.
Dulichgo
Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn còn dẫn ra rất nhiều sách cổ ghi chép về Ngàn Nưa. Các ghi chép dẫu dài, ngắn khác nhau, nhưng đều có chung nội dung phản ánh về người tiều phu núi Nưa - tức vị ẩn sĩ thời Trần - Hồ từng giấu mình trên đỉnh Am Tiên ở Ngàn Nưa để tu tiên đắc đạo mà không chịu ra giúp nhà Hồ. Sau nhiều lần mời gọi không được, Hồ Hán Thương đã cho đốt núi, vị ẩn sĩ ấy hóa thành hạc đen bay lên trời. “Thời Trần - Hồ, Ngàn Nưa đã nổi tiếng là núi thiêng để các bậc ẩn sĩ đến tu tiên, lánh xa thế sự. Đến thời Lê và thời Nguyễn, các ngôi chùa, đền, miếu lần lượt được xây dựng...”, nhà nghiên cứu Phạm Tấn nói.
Từ trung tâm Am Tiên, đạo Tu Tiên đã phát triển mạnh ra các vùng xung quanh núi Nưa. Những tên gọi của các đỉnh núi ở Ngàn Nưa đều nhắc nhớ đến bóng dáng các đạo sĩ tu tiên, như đỉnh Các Sơn, Tượng Sơn, núi Sẻ, Bể Cạn... cùng những dấu tích như bàn cờ Tiên, chùa Tiên, giếng Tiên, vườn Đào Tiên, vườn thuốc Tiên... mang đậm truyền thuyết, huyền thoại ly kỳ, hấp dẫn. Đến ngày nay, ở vùng Kẻ Nưa - Cổ Định, dưới đỉnh Am Tiên vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện thần tiên, như truyện các tiên ông xuống chợ, truyện ông Tu Nưa giúp dân chống lại cường quyền, truyện ông Tu Nưa giúp dân gánh núi...
Huyệt đạo linh
Theo truyền thuyết, nước ta có 3 huyệt đạo quốc gia, trong đó huyệt đạo Am Tiên là linh thiêng nhất. Tương truyền vào thời Đường, tướng Cao Biền được cử sang cai trị nước ta, thấy nơi đây có hình sông, thế núi linh thiêng, long mạch rất vượng, nên muốn phá đi. Cao Biền thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả lập đàn cúng tế lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Khi bay đến Ngàn Nưa, Cao Biền đã tìm cách trấn yểm huyệt đạo trên đỉnh Am Tiên nhưng bất thành (?).
Cứ theo cách lý giải của nhà nghiên cứu Phạm Tấn thì dẫu truyện Cao Biền có tà thuật trấn yểm long mạch, huyệt đạo chỉ là truyền thuyết hoang đường nhưng đức tin vào một huyệt đạo linh thiêng trên đỉnh Am Tiên trong dân gian là có thật. “Vì sao Bà Triệu lại chọn nơi này làm nơi dấy binh khởi nghĩa; vì sao các bậc ẩn sĩ thời Trần - Hồ lại đến đây tu tiên đắc đạo; vì sao chỉ với một đỉnh núi chật hẹp lại được các đạo Tu Tiên, đạo Phật, đạo Mẫu, đạo thờ thần cùng coi trọng? Chưa có sự giải thích nào cho những câu hỏi đó nhưng chắc hẳn các bậc cao minh chọn đỉnh Ngàn Nưa để gây dựng sự nghiệp hoặc ở ẩn tu tiên có nguyên do của nó. Vậy nên tự xưa người dân tin rằng Am Tiên là đỉnh thiêng, là huyệt đạo huyền bí bằng niềm tin tâm linh cũng là điều dễ hiểu”, nhà nghiên cứu Phạm Tấn nói.
Dulichgo
Dẫn chúng tôi lên mỏm đất bằng phẳng rộng chừng vài trăm mét vuông trên đỉnh Am Tiên, ông Lê Bật Sơn nói rằng đây chính là huyệt đạo linh thiêng của nước Nam mà xưa kia Cao Biền trấn yểm bất thành. Ông bảo, cứ vào những thời khắc biến động của đất nước, đêm đến người dân quanh vùng lại thấy một quầng sáng bí ẩn trên đỉnh Ngàn Nưa, ngay tại Am Tiên này.
“Vào mùng 9 tháng giêng hằng năm - ngày được dân gian lưu truyền là ngày mở cửa trời, đứng ở trung tâm của huyệt đạo Am Tiên, nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể, ta sẽ thấy trước mắt một quầng sáng màu đỏ, rồi chuyển sang màu da cam, cuối cùng là màu trắng xanh lẫn các hạt bụi. Trong khoảnh khắc ấy, người ta sẽ có cảm giác như mình đang bay bổng và hòa cùng với những chuyển động của vũ trụ bao la. Tâm hồn và thể xác trở nên thư thái, nhẹ nhõm, kỳ lạ lắm...”, ông Sơn nói.
Ở xứ Thanh này có lẽ không ai thông thuộc từng mỏm đá gốc cây trên đỉnh Am Tiên như ông Sơn. Có lẽ cũng là thứ duyên trời ban, nên gia đình ông đã gắn bó làm người “gác đền” Am Tiên suốt ba đời. Khi đứng ở đỉnh Am Tiên, chợt nghĩ, niềm tin về huyệt đạo linh thiêng trên đỉnh Am Tiên của dân gian có lẽ cũng như niềm tin vào hai chữ “Thiên mệnh” trong cõi nhân gian này vậy...
Thep Ngọc Minh (Thanh Niên)
Du lịch, GO!
Chốn bồng lai trên đỉnh Am Tiên
Kỳ bí huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa
Khu di tích Am Tiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét