Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Đầu năm đi ăn tết Grơ của người Khơ Mú

(DNVN) - Trong những dịp tết Nguyên Đán đồng bào dân tộc Khơ Mú lại tổ chức tết Grơ theo phong tục riêng của mình.

< Nghi lễ cầu may bằng cách bôi tiết gà.

May mắn cho chúng tôi khi mùng một tết Ất Mùi được dự tết Grơ tại gia đình thầy giáo người Khơ Mú, Lữ Văn Thịnh (trú tại bản Thanh Bình, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An). Gia đình thầy giáo Thịnh trước đây sinh sống tại bản Xốp Pột, xã Kim Đa, huyện Tương Dương, Nghệ An. Khi công trình thủy điện Bản Vẽ đóng lòng hồ gia đình thầy cùng các hộ dân khác được chuyển về Khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương.

Cũng như bao gia đình đồng bào Khơ Mú khác cứ mỗi dịp đến xuân về gia đình thầy Thịnh lại tổ chức tết Grơ. Hôm chúng tôi có mặt tại gia đình thầy Hiệu đúng vào mùng 1 tết Nguyên đán Ất Mùi khi gia đình cũng đang chuẩn bị làm lễ Grơ đầu năm.

Theo phong tục của đồng bào Khơ Mú để ăn tết Grơ mỗi gia đình đều phải sắm đủ lễ gồm: 1 cặp gà (1 con gà trống, 1 con gà mái), một vò rượu cần, một đĩa cau trầu. Nếu thiếu một trong 3 thứ trên thì không thể thực hiện được nghi lễ của ngày tết Grơ.

Sau khi đồ lễ được bày biện đầy đủ ra giữa nhà người lớn tuổi nhất nhà thầy Thịnh là ông Lữ Xuân Hiệu (bố thầy giáo Thịnh) bắt đầu làm lễ tết Grơ.

Các lễ nghi được ông Hiệu đọc bằng tiếng đồng bào dân tộc Khơ Mú. Sau khi kết thúc bài cúng và lần uống rượu cần đầu tiên một con gà sẽ được cắt mỏ lấy tiết. Rồi ông Hiệu cầm cả con gà bôi tiết lên đầu gối cho từng người trong gia đình. Chủ lấy tiết gà quệt theo chiều từ trên xuống dưới và khẩn cầu cho những điều không tốt đẹp của năm cũ hãy đi ra xa con người.
Dulichgo
Khi tất cả mọi người trong gia đình đã được làm nghi lễ này, một con gà khác được cắt mỏ lấy tiết. Tiếp tục lần lượt từng người trong gia đình lại được chủ lễ bôi tiết gà lên đầu gối. Lần này là chiều từ dưới chân lên đầu gối, kèm với câu khấn cho mọi điều tốt đẹp sẽ đến vào năm mới. Sau đó ông Hiệu được chính vợ mình là bà Moong Thị Loan lấy một con gà đã được cắt mỏ quyệt máu lên đầu gối giống mọi thành viên khác.

Ông Hiệu giải thích, theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú việc cắt mỏ gà trong tết Grơ rồi lấy máu bôi vào đầu gối, chân của tất cả thành viên trong gia đình là để xua đuổi tà khí để xóa tan bệnh tật, khỏe mạnh. Việc cắt tiết gà để bôi vào đầu gối các thành viên trong gia đình cũng để mong một năm mới may mắn, đôi chân vững vàng trên mọi nẻo đường.   

Sau khi kết thúc nghi lễ trên cả 2 con gà đã được làm thịt để làm mâm cúng mời tổ tiên về ăn tết. Thịt gà, xôi và đồ cúng lễ khi kết thúc lễ được ông Hiệu phát cho mọi người trong gia đình với mong muốn có một năm no ấm. Người được nhận lễ cũng phải cúi đầu nhận lễ rồi chấm lên trán sau đó mới ăn.

Tết Grơ của đồng bào Khơ Mú kéo dài trong vòng 1 ngày 1 đêm. Sau lễ cúng trên coi như năm mới đã bắt đầu với từng nhà. Kết thúc đêm làm lễ một vị khách quý sẽ được gia đình Khơ Mú mời đến nhà làm lễ xông đất. Để xem năm mới có bất trắc hay may mắn gì hay không một vị chức sắc trong bản sẽ được các gia đình mời đến để xem chân của hai con gà làm lễ trước đó.

Tuy nhiên, có một điều khác với các dân tộc khác ngày tết trên bàn thờ của các gia đình Khơ Mú không có hoa tươi. Theo ông Hiệu cho biết: Theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú nếu năm mới để lá xanh trên bàn thờ tổ tiên thì gặp điều không may mắn. Do đó cứ mỗi dịp tết đến xuân về dù có hoa đào ở trong vườn nhà đồng bào Khơ Mú cũng không chặt đem vào nhà trang trí.
Dulichgo
Sau khi được dự tết tại nhà thầy giáo Thịnh chúng tôi đã được gia đình mời uống rượu cần. Cũng như bao dân tộc khác cứ mỗi độ tết đến xuân về sau mọi nghi lễ tất cả anh em họ hàng đều được mời đến nhà uống rượu cần, ăn cơm vui xuân. Nay cuộc sống của đồng bào Khơ Mú đã khấm khá hơn vì được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Để đồng bào dân tộc Khơ Mú có một cái tết đầy đủ UBND tỉnh Nghệ An cũng đã trao hàng trăm suất quà cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc Khơ Mú đang sinh sống tại các huyện miền tây xứ Nghệ.

Theo Xuân Hòa (Doanh Nghiệp VN)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét