Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Đến Sơn La chớ bỏ qua thịt trâu một nắng

(NLĐ) - Khi những miếng thịt trâu một nắng thơm lừng vàng rộm, mỡ chảy nghe lèo xèo là chín, và thưởng thức nó khi còn nóng hổi, trong không khí ấm cúng gia đình, bạn hữu bên chum rượu cần thì chẳng gì có thể thú vị hơn.

Đến với Phù Yên, một huyện lỵ nằm ở phía Đông của tỉnh Sơn La, giáp với địa bàn của huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, du khách không chỉ bị hút hồn bởi cảnh sắc núi rừng điệp trùng, những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, lạ lẫm của bà con các dân tộc nơi đây, mà có một món ăn ngon nức tiếng, khiến khách từng qua đây không thể không thưởng thức, đó là món thịt trâu một nắng nướng than hoa, ăn một lần còn thèm mãi.

Tại Phù Yên, cũng như nhiều huyện thị khác của tỉnh Sơn La, món thịt trâu, thịt bò gác bếp vốn được coi là “đặc sản” và luôn được bà con các dân tộc bỏ ra làm món thết đãi khách quý, nhất là khách thân thuộc ở xa tới.

Cũng phải công nhân một điều là, món thịt trâu, thịt bò khô gác bếp ăn là lạ, rất ngon miệng, nhưng “nhược điểm” của loại thịt làm khô tự nhiên này là nó hơi cứng, dai, vì vậy với những người răng yếu khi ăn là một cực hình. Và để tạo ra món ăn mềm mại hơn cũng từ nguyên liệu thịt trâu, thịt bò, Phù Yên đã là một trong những nơi “khởi tổ” ra món thịt trâu một nắng ngon trứ danh.
Dulichgo
Thịt trâu dùng để làm món này là loại thịt nạc thăn lấy ra từ những con trâu được chăn thả tự nhiên, có thớ thịt săn chắc. Sau khi đã lọc các gân mỡ, lọc bỏ da, thịt được sắt miếng mỏng nhưng to bản. Các miếng thịt càng to bản càng tốt, bởi khi qua các công đoạn chế biến thịt sẽ co lại, vì vậy các miếng thịt nhỏ quá sẽ không có sự bắt mắt cho lắm.

Khi pha từng miếng thịt xong, người ta dùng khăn bông, hoặc vải trắng sạch sẽ thấm qua các miếng thịt cho khô ráo hết nước đi. Thịt sau đó được cho vào ướp gia vị, và công đoạn này là cực kỳ quan trọng khi nó quyết định tới độ ngon của món thịt khi thưởng thức.

Các thứ gia vị dùng để ướp cùng món thịt trâu bao gồm có là: tỏi, ớt, gừng tươi giã nhuyễn; đường kính, vài cánh hoa hồi; muối; mắm ngon; và đặc biệt là mắc khén- một loại tiêu rừng cay nồng, thơm phức của người dân tộc.

Cung cách ướp và nêm nếm gia vị sao cho thật khéo, đủ độ, khi không quá nhạt, không quá mặn là rất cần thiết, vì nếu như nêm không đủ gia vị, nhất là mắm, muối thì món thịt sẽ nhạt, giảm vị ngon ngọt đậm đà, còn nếu quá lỡ tay bỏ quá muối, mắm thì món thịt sẽ mặn, mà như chúng ta đều biết là các món ăn mặn cũng sẽ mất ngon.

Chính vì vậy, theo như những gia chủ có kinh nghiệm làm món này ở Phù Yên, thì việc ướp thịt trâu thường do những người có kinh nghiệm đứng bếp đảm nhận, vì khi đã làm quen rồi thì định lượng gia vị cho vào món sẽ rất chuẩn, mặc dù chỉ là ước lượng, chứ không hề có sự cân, đo, đong, đếm nào.

Thịt ướp trong khoảng 30 phút đã đủ độ thấm gia vị, lúc này người ta mang ra đặt từng miếng lên phên tre phơi nắng. Thịt được phơi từ lúc nắng sớm cho tới lúc mặt trời mọc, và trong khoảng thời gian phơi nắng một ngày đó, thi thoảng phải có sự lật trở để miếng thịt se khô đều hai mặt. Nắng càng to, nhiệt độ ngoài trời càng cao thì những miếng thịt trâu càng se khô, và khi chế biến ăn sẽ càng ngon, ngọt ngào.
Dulichgo
Trước khi thưởng thức, thịt trâu được nướng trên than hoa đỏ rực lửa. Khi những miếng thịt thơm lừng vàng rộm, mỡ chảy nghe lèo xèo là chín, và thưởng thức nó khi còn nóng hổi, trong không khí ấm cúng gia đình, bạn hữu bên chum rượu cần thì chẳng gì có thể thú vị hơn.
Vị đậm đà, ngọt lịm và thơm phức của thịt trâu một nắng nướng, cùng chuối xanh thái lát, rau thơm hái trong rừng, khiến cho ta ăn một miếng rồi lại muốn ăn thêm, ăn nữa, thậm chí ăn tới no mà không thấy ngán.

Nếu có dịp đến Sơn La, và ghé Phù Yên, du khách nên thử thưởng thức món thịt trâu một nắng mang đậm hương vị núi rừng này, bởi nó sẽ làm bạn khó lòng quên được vì nó quá ngon, quá ấn tượng...

Theo Phụ Nữ Người Lao Động
Du lịch, GO!

Bình yên thôn bản Lán Xì ngày xuân

(iHay) - Có dịp đến bản Lán Xì (xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) trong những ngày mùa xuân ngọt lành, bạn sẽ được tận hưởng không khí yên bình, êm trôi của những bản làng nằm lặng lẽ sau lưng núi.

Mùa xuân là yên bình, là đâm chồi khoe lá, là nảy lộc đơm hoa. Mùa cải vào vụ, người dân bản Lán Xì lại hăng say lao động cày bừa cho vụ xuân. Những nương ruộng cải mèo hoa nở vàng tươi lối đi như nô nức đón xuân sang.

Bên ruộng còn nâu mùi đất mới, mỗi người một việc, cày bừa xới đất. Gió mùa xuân mang khói trắng về trời. Phía sau, dãy núi như đang nằm lặng chờ đợi xuân sang cho lộc biếc chồi non bừng sắc nắng.

Khói đốt rơm rạ trong buổi chiều xuân dường như khiến khung cảnh trở nên gần gũi, yên bình giữa bốn bề đá núi. Xa xa là những dãy sa mộc xanh thẫm đang vươn dọc bầu trời như tường thành hiên ngang che chở cho bản làng xứ núi.
Dulichgo
Từng nếp nhà trình tường nép mình trong lòng núi, còn những hàng sa mộc thì như những mũi tên lao. Bước chân vội vàng qua những ruộng đậu Hà Lan nở hoa tím biếc, len lỏi qua con đường đất nhỏ vắt lối sang phía bên kia sa mộc, thấy nhẹ tênh những nhịp lòng.

Mùa này, củ cải đã to tướng nằm vùi xuống đất nâu, rồi trở mình nhô lên đón nắng xuân hiền hòa.
Dulichgo
Đi sâu vào bản làng, thấy những nếp nhà mái ngói âm dương một màu cổ kính nằm lặng lẽ trong không khí xuân sang.

Bên ngôi nhà vắng, gió nắng lùa nhẹ vào gian nhà đất cổ, nơi người mẹ vẫn đang cần mẫn gỡ những sợi lanh bện lấy nhau, trong ánh sáng hắt nghiêng của buổi chiều muộn.
Dulichgo
Gỡ lanh, xe sợi, chải đều. Công đoạn mất nhiều thời gian và sự tỉ mẩn, chịu khó. Sợi lanh để đến được công đoạn này, đã phải đi qua nhiều ngày tháng, đủ cho cây lanh trồng trên đất, lớn lên rồi thu hoạch để làm nên từng sợi nhỏ dai bền.

Bó lanh đều đặn nằm cuộn mình trong sàng sảy như thành quả của bao ngày lao động đôi tay người phụ nữ. Xuân về, lanh dệt nên những tấm áo mới, chiếc váy đẹp để người ta kịp trẩy hội giữa xứ núi tràn sắc thơm hương.

Đứa trẻ trên vai mẹ vẫn chăm chú nhìn theo đôi tay mẹ làm. Người mẹ vùng cao chịu thương chịu khó, làm lụng vất vả mà vẫn chăm thương con.

Bên góc nhà, những chú bò dường như cũng sốt ruột ngóng chờ xuân sang. Ngoài kia nắng ấm gió se, hoa vàng mới nở và chim hót đầu cành.

Vách nhà, nếp cửa vẫn dán những lá bùa với túi đỏ treo cao. Có lẽ đây là một trong những phong tục của người Mông xứ núi để xua đuổi ma quỷ, cầu mong một năm mùa màng bội thu, trâu bò khỏe mạnh

Theo Hạnh My - Hachi8 (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!

Đi ngang Long An, nhớ ghé ăn thơm Bến Lức

(TTO) - Con đường từ miền Tây về TP.HCM dài hun hút, quốc lộ 1 buổi xế trưa nắng như đổ lửa. Nhìn các bảng hiệu bên đường mới biết đang vào địa phận Bến Lức, Long An - vùng đất nổi tiếng với "thương hiệu" thơm (khóm).

Xe chúng tôi chạy qua những sạp hàng mái lá thô sơ, đóng sơ sài bằng gỗ tạp. Mít, chuối và nhiều nhất là những trái thơm vỏ xanh, vàng cam nằm sắp lớp bên đường. Có cả những trái thơm đã xay mắt, lộ khe thịt vàng tươm nước ngọt, bọc kín trong nilông che bụi treo lủng lẳng. Nhìn những trái thơm đã được gọt sạch vỏ, màu vàng ngon mắt đung đưa trong nắng, lại nhớ về những tháng năm chưa xa khi đường sá còn cách trở, xe đò và các loại xe về miền Tây thường dừng lại cho tài xế nghỉ ngơi và khách xuống mua thơm.

< Trái thơm gọt sẵn, giá 12.000 đồng/trái.

Vừa ăn giải khát vừa mua về làm quà vì khi đó miền Tây có nhiều vùng trồng thơm, nhưng ngon nhất vẫn là khóm Cầu Đúc (Hậu Giang) và thơm Bến Lức (Long An).    
Dulichgo
Xe dừng lại một quầy nhỏ bên đường. Anh bạn đi cùng nghi ngại khi thấy cô chủ lôi từ trong thùng đá ra một trái thơm ướp lạnh vàng ươm rồi bày thêm đĩa muối ớt đỏ hực. Cô khéo léo chẻ nhỏ trái thơm ra từng miếng, ghim thêm cây tăm tre.

Xóc từng miếng thơm mát lạnh bỏ vô miệng, nhai rào rạo trong tiếng vỡ giòn rụm, hớp thêm chút nước suối đá lạnh thì gương mặt khô héo vì nắng của anh tươi tỉnh và thư giãn hẳn ra. Chưa kịp cản, anh chàng đã ăn "bay" nửa trái. Cô chủ vừa nói “coi chừng rát lưỡi đó đa” thì anh đã thè lưỡi, nhăn nhăn. Cũng cô chủ lật đật lục cái hộc dưới chân đi tìm gói đường: "Tại chú ăn cái cùi thơm mới rát. Ăn miếng đường vô cho dịu chút”.

< Thơm đỏ, thơm son thường chỉ bày bán dịp tết.

Cũng may trong túi tôi lúc nào cũng có sẵn kẹo. Ăn kẹo xong, anh lại có ý muốn mua vài trái về bỏ tủ lạnh ăn dần vì thơm "thơm và ngon quá”. Theo cô chủ hàng, những trái thơm được gọt, ướp lạnh là những trái chín ngấu nên ngọt và giòn nhất dù thực chất thơm Bến Lúc trái nào cũng ngọt. Nhưng trái mới chín vị ngọt thanh có chen chút chua nhẹ.

Thơm gọt sẵn người mua hay chọn về làm món khóm xào hay nấu canh chua, kho chay. Vị ngọt hậu nên khỏi cần nêm thêm gì. Còn thơm trái nguyên vỏ thì mua về xay sinh tố, ép hay làm thuốc. Thuốc thì theo truyền miệng thơm giúp tiêu hóa, chống viêm, tẩy độc, chữa sỏi thận... Cô còn nói thêm trên mạng có nhiều bài hướng dẫn lắm rồi ân cần giải thích khu vực này quanh năm toàn bán thơm xanh, vì thơm vỏ xanh một năm cho trái tới 2 - 3 đợt.
Dulichgo
Đợt tết mới bán thơm đỏ, mà sau này còn gọi là thơm son. Thơm son chỉ dùng để chưng, do trái nhỏ mà thịt lại chua. Trồng khó, một năm chỉ cho một đợt trái nên nhà vườn trồng chủ yếu phục vụ cho chưng cảnh mùa tết. Khi đó các sạp quanh đường đều bán thêm thơm đỏ, nhưng sát tết nếu ai còn ôm thơm đỏ thì coi như thua.

"Thơm xanh cứ bán lai rai tới tới - cô chủ hàng nói - Bán hổng nghỉ ngày nào hết. Khách đi chơi ai cũng ghé ăn thơm giải khát. Tết bán cho giới trẻ đi chơi nhiều lắm”.

Thơm Bến Lức - đặc sản của xứ Long An

< Những trái thơm chín ngọt.

Hồi xưa nghe tôi thắc mắc "thơm và khóm có gì khác nhau”, bà nội tôi kể chuyện cổ tích trái Huyền Nương, rồi bảo trái khóm thì tròn, trái thơm thì dài. Khóm thì nhỏ trái, vỏ vàng, vị chua, mắt khít, chỉ dùng nấu canh chua. Còn thơm, người ta kêu vậy để phân biệt với khóm, là giống cũ. Thơm là giống mới, chỉ loài thơm tây, vỏ xanh trái to, thịt ngọt, mắt thưa, có thể gọt ăn chơi, ăn sống. Khóm có từ xưa, thơm mới gần đây do người Pháp mang vào rồi người Việt trồng.

Sau này hỏi lại cha tôi (là kỹ sư lâm nghiệp), ông lại bảo: “Thơm, khóm, dứa đều là một loại, tên khoa học Ananas comosus, là loại cây ăn trái phổ biến ở các nước vùng nhiệt đới, chỉ khác nhau cách gọi.

< Một sạp bán thơm ven đường.

Trái thơm ở Việt Nam là một giải pháp cho những vùng đất bị nhiễm phèn nặng không trồng được lúa. Miền Bắc, miền Trung cũng có trồng, nhưng có lẽ thổ nhưỡng Long An và Cầu Đúc, Hậu Giang phù hợp nên trái thơm ngon và ngọt hơn”.
Dulichgo
Nói đến Long An, du khách thường nghe nói về gạo nàng thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen, nhưng đặc sắc và dân dã nhất vẫn là dưa hấu Tân Trụ và thơm Bến Lức bày bán dọc hai bên đường. Trong đó, dưa hấu nhiều nhất vào mùa trước tết, còn thơm Bến Lức thì bày bán quanh năm.

Vì thế nếu như đi đường khát nước, bạn hãy thử ghé một sạp hàng bán thơm ven đường, ăn miếng thơm chín ướp lạnh. Cam đoan sẽ thấy rất “‘đã”.

Theo Nga Bích (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Khóm Bến Lức nức tiếng gần xa

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Khám phá Hà Tiên thập cảnh

"Ở đây kỳ thú thay có như hầu đủ hết! Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn, một ít đảo đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi đá vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, một ít lăng tẩm của Phú Xuân. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng; một ít Nha Trang, Long Hải" - nhà thơ Đông Hồ.

 “Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,
Non non nước nước gẫm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy,
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi,
Châu Nham, Kim Dự cá chim quanh.
Bình San, Thạch Động là rường cột,
Sừng sựng muôn năm cũng để dành ”.

Nếu những nhận xét của nhà thơ Đông Hồ về Hà Tiên khiến tôi hình dung và mơ màng về một lần được đặt chân lên vùng đất hội tụ nhiều nét xinh đẹp, kỳ thú như vậy, thì Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích thực sự kích thích tôi phải tìm hiểu về mảnh đất này. Dù là chưa có cơ hội được đi thực tế, nhưng vì lòng yêu mến này, hãy cùng chúng tôi du lịch Hà Tiên thập cảnh qua sách báo trước đã bạn nhé!

1. Đông Hồ ấn nguyệt (trăng soi Đông Hồ - đầm Đông Hồ)

Nằm phía Đông thị xã Hà Tiên, rộng 14km2, từ Hà Tiên muốn vào đầm Đông Hồ chỉ có một cách duy nhất là đi bằng tàu hay “vỏ lãi”. Càng đi vào sâu, đầm Đông Hồ như là một thế giới gần như hoàn toàn cách biệt với nét đô thị hiện đại. Bao quanh diện tích mặt nước rộng lớn là nhiều tầng dừa nước mọc dọc theo các bãi bồi ngập trong nước. Điều kiện tự nhiên này đã tạo nên một bầu không khí trong lành và yên tĩnh đến tuyệt vời.
Dulichgo
Tương truyền rằng cách đây 300 năm, Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích, thường tụ hội các thi nhân đến đầm Đông Hồ ngắm trăng và ngâm thơ vào ngày rằm. Vào ngày này trăng sáng và đẹp lung linh nên nhiều “tao nhân, mặc khách” đã đặt cho nơi này cái tên rất lãng mạn “Đông Hồ ấn nguyệt”.

2. Lộc Trĩ thôn cư (xóm Mũi Nai)

Lộc Trĩ thôn cư dựa lưng vào vách núi, nằm dưới những ngọn dừa quanh năm hứng gió biển khơi. Xuyên qua những xóm làng thanh bình, một bên là biển khơi mênh mông, một bên là dải đồi thấp với những đồi cỏ xanh mượt cùng những mảnh ruộng nhỏ xen giữa là những hàng dừa lả ngọn, ta đến với xóm quê mà nay đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long này.

Với bãi biển dài hơn 1km, thoai thoải, nước khá trong so với các bãi biển của miền Tây Nam bộ, hàng năm Mũi Nai đón hàng ngàn lượt du khách đến tắm biển, tham quan

3. Nam Phố trừng ba (bãi Nam sóng lặn, tục danh Bãi Ớt)

Từ trung tâm thị xã đi về phía biển, bãi Nam Phố hiện ra là một vùng biển trời mênh mông, tĩnh lặng. Ở đây có hai bãi tắm là bãi Hòn Heo và Bãi Ớt. Tuy ở cùng một địa điểm nhưng mỗi bãi sở hữu một đặc điểm khác nhau. Bãi Ớt bao la với cát vàng mịn, mặt nước trong xanh. Còn Hòn Heo nằm lọt trong làng chài ven biển cùng tên...

Vẻ đẹp độc đáo có được của Nam Phố là do dãy núi bãi Ớt nhô hẳn ra ngoài khơi tạo thành bức bình phong khổng lồ. Do vậy, dù có vào mùa mưa bão thì biển ở Bãi Ớt vẫn hiền hòa, tĩnh lặng. Đến với Nam Phố, du khách có thể tận hưởng làn không khí dịu nhẹ với gió biển, nước biển trong veo và những con sóng nhẹ nhàng xô bờ.

4. Lư Khê ngư bạc (thuyền đánh cá đỗ bến Vược - rạch Vược)

“Lư khê ngư bạc” là cảnh sinh hoạt của người dân xóm chài rạch Vược. Đây là dòng nước có nhiều cá chẻm được gọi một cách thi vị là “Lư khê”, nhưng người dân thì quen gọi nó với cái tên thật bình dị là “rạch Vược”. Sau những chuyến đi biển, ghe, tàu sẽ về đây trú ngụ, nghỉ ngơi (ngư bạc).
Dulichgo
Rạch Lư Khê, xưa có hai nhánh, một nhánh đổ ra biển, một nhánh thông với đầm Đông Hồ. Nơi hợp lại của hai dòng nước tạo thành một ao rộng, nước sâu trong vắt và nhiều cá. Ngược dòng Lư Khê, hai bên là những ngọn núi nhỏ nhấp nhô cùng với những túp lều tranh lúp xúp của dân chài. Về sau, khi quốc lộ 80 được xây dựng, cửa rạch Lư Khê thông ra biển đã bị lấp, con rạch chỉ còn một nhánh trổ ra đầm Đông Hồ.

5. Tiêu Tự thần chung (cảnh chuông chùa tịch mịch - chùa Tam Bảo)

Chùa Tam Bảo nằm ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, chùa được thành lập năm 1730, do Mạc Cửu sáng lập để mẹ của ông là Thái Bà Bà tu niệm, bấy giờ gọi là Tiêu Tự.

Sau khi bà mất, ông đã cho đúc một tượng phật với một chuông bằng đồng để thờ và tưởng niệm đấng từ thân. Hiện nay, sau chùa còn ngôi mộ của Thái Bà Bà, xung quanh chùa còn lại bức tường cổ gần 300 năm, họ Mạc đã cho xây dựng để ngăn giặc.

6. Giang Thành dạ cổ (trống đêm Giang Thành - lũy Giang Thành)

Sông Giang Thành bắt nguồn từ Vương quốc Campuchia chảy vào Việt Nam theo hướng Bắc Nam, rồi đổ vào đầm Đông Hồ, trước khi ra vịnh Thái Lan. Chỗ sông Giang Thành và kênh Vĩnh Tế gặp nhau gọi là ngã ba Giang Thành.

Có người cho rằng, tên Hà Tiên là do Mạc Cửu đặt khi ông đặt chân đến đây, vì mến cảnh trần gian nơi đây có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, tiên nữ thường xuất hiện trên sông Giang Thành nên gọi là Hà Tiên.

7. Kim Dự lan đào (đảo vàng chắn sóng - núi Pháo Đài)

Kim Dự hay núi Pháo Đài là một ngọn núi nhỏ ở sát vịnh Thái Lan. Núi nằm về phía Tây Bắc bãi biển Mũi Nai. Đây là một trong 10 cảnh đẹp của đất Hà Tiên xưa, từng được Mạc Thiên Tứ ca ngợi qua bài “Kim Dự lan đào” tức đảo vàng chắn sóng. “Suy hình hài như thả ngọc phong”, ý muốn nói Kim Dự như một hòn đảo ngọc, bập bềnh trôi nổi trên biển.
Dulichgo
Chung quanh núi có khá nhiều cây phượng vĩ cổ thụ, đỏ rực như màu xác pháo khi hè về. Có một vài cây hoàng lan hoa vàng nhạt tỏa hương ngan ngát khi màn đêm buông xuống.

8. Bình San điệp thúy (núi một màu xanh - núi Bình San)

Núi Bình San hay còn gọi là núi Lăng là một bức tranh phong cảnh tuyệt vời, yên bình và khoáng đạt. Núi Bình San có độ cao hơn 50m, quanh năm luôn tươi tốt một màu xanh. Dưới chân núi Bình San, ao sen hình bán nguyệt chứa nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, được đào từ thời Mạc Thiên Tích đến nay vẫn còn được người dân Hà Tiên sử dụng. Du khách đến thăm núi Bình San, đứng ở trên cao có thể ngắm được toành cảnh Hà Tiên tươi đẹp trù phú. Mọi nét đẹp của Hà Tiên như hòn Phụ Tử, Thạch Động Thôn Vân, thắng cảnh Mũi Nai…đều được thu vào tầm ngắm một cách hoàn hảo. Đây cũng là nơi yên nghỉ của dòng họ Mạc, đứng đầu là Mạc Cửu.

9. Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây - núi Thạch Động)

Thạch động còn được gọi Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây), tảng đá xanh khổng lồ cao 80m nằm giữa một vùng đất rộng. Đứng lưng chừng núi, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thị xã Hà Tiên thơ mộng thu nhỏ, thấy các ngôi làng của người Campuchia dọc biên giới ẩn hiện dưới chân đồi. Chẳng biết tự bao giờ mà người dân Hà Tiên tự hào: Thạch động chính là nơi khởi nguồn của câu chuyện cổ tích “Thạch Sanh chém Chằn” thấm sâu trong ký ức tuổi thơ. Vào trong Thạch Động, thạch nhũ lâu ngày đã tạo những hình thù: “Chằn tinh”, “Cô gái tóc dài” mà dân gian quen ca tụng là Phật Bà Quan Âm…

10. Châu Nham lạc lộ (cò đậu Châu Nham - núi Đá Dựng)

Từ Thạch Động đi thêm 2km thì đến núi Đá Dựng. Đây là ngọn núi đá vôi cao 83m, đỉnh bằng phẳng, bên trong có nhiều hang động đầy thạch nhũ óng ánh như ngọc châu. Núi Đá Dựng cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 6km, đến tham quan di tích lịch sử này, bạn như trở về cội nguồn dân tộc, đồng thời khám phá vẻ đẹp kỳ bí của các hang động.
Dulichgo
Nằm về hướng Tây - Bắc của tỉnh Kiên Giang, Thị xã Hà Tiên có phía Bắc giáp Campuchia, phía Đông giáp huyện Giang Thành, phía Nam giáp huyện Kiên Lương, phía Tây giáp huyện đảo Phú Quốc và vịnh Thái Lan. Với nhiều danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình, Hà Tiên là trọng điểm về du lịch của tỉnh Kiên Giang và vùng Tây Nam bộ.

Hà Tiên có 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer và Hoa. Đây là vùng đất có bản sắc văn hóa rất đặc thù và đa dạng, được hình thành cách đây hơn 300 năm, gắn liền với tên tuổi dòng họ Mạc. Khi Mạc Cửu đến khai phá và quy phục Chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào năm Mậu Tý - 1708 và được Chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong làm Tổng binh Trấn Hà Tiên (tước Cửu Ngọc Hầu và người kế vị là Mạc Thiên Tích - con trai trưởng của Mạc Cửu), đã xây dựng Hà Tiên thành một vùng đất trù phú, phố thị sầm uất, giao thương với nhiều nước, đời sống người dân ấm no, an lạc. Không những vậy, Mạc Thiên Tích còn thành lập và làm Chủ soái Tao đàn Chiêu Anh Các quy tụ nhiều học sĩ, thi nhân đến làm thơ xướng họa, mà ngày nay đã trở thành Lễ hội truyền thống Tao đàn Chiêu Anh Các.

Theo Anh Thư (Quê Hương)
Du lịch, GO!

Độc và lạ: Cả làng đi ăn tiệc.

Đã thành tục lệ nhiều năm nay, hàng năm cứ vào ngày Rằm tháng Giêng, người dân ở thôn Đông Sàng, làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) lại cùng nhau tập trung đi dự tiệc ở Đình làng. Dịp đầu xuân, các vị cao niên, những người xa quê, người dân trong làng...lại cùng nhau dùng tiệc ẩm thực, nâng cao tinh thần đoàn kết, giáo dục con cháu những giá trị truyền thống của quê hương.

Dịp Xuân Bính Thân (2016), cùng với việc tổ chức tiệc và hội làng Đông Sàng như thường lệ, người dân nơi đây còn được đón nhận danh hiệu Làng văn hóa lần 2.

Với mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, từ nhiều năm nay, cứ vào dịp Rằm tháng Giêng người dân trong thôn Đông Sàng lại tổ chức tiệc cho các gia đình cùng tham dự tại đình làng.
Dulichgo
Từ các vị cao niên trong làng, những người có chức sắc trông coi đình mang trên mình những bộ áo dài truyền thống rực rỡ sắc màu xuân đi dự hội.

Đến cả những em bé cũng được bố mẹ đưa đi dự hội làng.

Mọi hộ gia đình trong làng đều được tham dự tiệc và lễ hội do làng tổ chức. Một phần kinh phí do nhân dân đóng góp và một phần kinh phí từ những nhà hảo tâm, công đức cho làng.

Việc chuẩn bị nấu ăn, trang trí, đón khách...đều được mọi người dân phân chia nhau thực hiện để phục vụ cho tiệc làng.
Dulichgo
Mỗi người thực hiện những công việc khác nhau để buổi tiệc thực phẩm của làng được trở nên hoàn thiện.

Những món ăn được trang trí và sắp đặt khá gọn gàng, sạch sẽ. Trong bữa tiệc thường là những món ăn đặc sản làng như gà mía, thịt quay đòn, bánh trôi nước,...

Bánh tẻ là một khai vị không thể thiếu của bữa tiệc.
Dulichgo
Hàng nghìn người trong làng từ các cụ già, người trẻ, thậm chí cả những người con xa quê cũng về đây vừa dự tiệc, vừa giáo dục con cháu những giá trị truyền thống của quê hương.

Các em học sinh cũng đi dự tiệc.

Các thanh niên, sinh viên trong làng cũng về đây phục vụ cho tiệc và lễ hội làng. Được biết, tiệc làng Đông Sàng xuân Bính Thân này đón tiếp hơn 1.200 lượt người tham dự.

Theo Vương Trần (Báo Lao Động)
Du lịch, GO!

Ký sự con khỉ

(DNSG) - Mấy năm đầu thập niên 1980, mỗi lần ra miền Trung, qua đèo Rù Rì hơn chục kilomet là tôi cứ dõi mắt về phía biển tìm "Đảo Khỉ” bởi nghe đồn ở đấy có bí mật quân sự. Lời đồn còn hấp dẫn tôi hơn nữa là có những con khỉ được nuôi để thử vũ khí sinh học, biết trước "hiểm họa", đã vượt biển vào đất liền!

Khỉ bơi giỏi thì tôi đã biết từ những ngày còn ở Trường Sơn, mỗi khi có lũ lớn, chúng thường vượt suối để tìm đàn hay kiếm thức ăn. Tôi đã thấy những con khỉ mẹ cõng con lựa chiều nước xiết bơi suốt một quãng dài mới qua được bờ bên kia, nhưng khỉ vượt biển thì tôi chưa tin. Tôi lại càng không tin "Đảo Khỉ” lại là nơi "thử vũ khí sinh học" - mà ở Việt Nam - một đất nước đã trải qua 30 năm chiến tranh, đang khát khao xây dựng hòa bình thì vũ khí sinh học là chuyện không có, lại càng không muốn có.

Thì ra trong bao lời đồn đại về "Đảo Khỉ”, có một sự thật, đó là người ta nuôi khỉ vàng (Macaca mulatta) và khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) - hai loại khỉ đặc trưng của rừng nhiệt đới Việt Nam - để bán cho Liên Xô, còn khi chúng đã sang đến đất nước xa xôi kia thì ai mà biết những con khỉ vui nhộn ấy được dùng vào mục đích gì. Và Đảo Khỉ là tên mới từ ngày những con khỉ đầu tiên được con người cho "tạm trú” tại đảo Hòn Lao 35 hecta, nhỏ nhất trong 5 đảo ở vịnh Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa.
Dulichgo
Rồi Liên Xô tan rã, không ai mua khỉ với số lượng lớn nữa, Khánh Hòa không thể "bao cấp" mãi cho đàn khỉ đến 6.000 con, một ngày ít nhất phải cho mỗi con ăn 0,2 kilogam lương thực và các loại quả. Trong tình trạng đàn khỉ có thể chết đói vì cây trái và nước ngọt rất hiếm trên hòn đảo cát san hô, đáng trân trọng thay, Tập đoàn Khatoco đã đứng ra nhận phần trách nhiệm này với đàn khỉ, và Hòn Lao được giao cho Công ty Du lịch 18 tháng Tư - một công ty con của Tập đoàn, tổ chức kinh doanh du lịch.

Công ty Du lịch 18 tháng Tư đã đưa ra cách "nuôi khỉ khép kín", tức là tổ chức bán vé cho khách du lịch coi khỉ, nhất là coi những con khỉ được chọn lọc từ mấy chục đàn khỉ ở đảo, đưa đi huấn luyện rồi trở về làm xiếc, để lấy tiền nuôi khỉ, từ khỉ thu hút khách du lịch để biến Hòn Lao, biến vịnh Nha Phu thành điểm du lịch sinh thái.

Đàn khỉ Hòn Lao nay chỉ còn khoảng 1.000 con, chủ của chúng cũng đã thay đổi, là Công ty CP Du lịch Long Phú. Nhưng với tôi, kỷ niệm về lớp khỉ thời "xóa bỏ bao cấp" cho chúng thì vẫn vẹn nguyên, nhất là với những "nghệ sĩ khỉ” có tên Hà - Nội - Khánh - Hòa - Tour để kỷ niệm ngày chúng được đưa ra Thủ đô học xiếc.

Mỗi lần ra Hòn Lao, ra Đảo Rều (Quảng Ninh) hay Đảo Khỉ Cần Giờ (TP.HCM), tôi cứ tin chắc trong những đàn khỉ đông đúc ấy, có thể có hậu duệ của những con khỉ vàng, con khỉ mặt đỏ là bạn của tôi trên Trường Sơn một thời trai trẻ. Thú thật là thời gian đầu từ miền Bắc vào chiến trường, do quá thiếu thực phẩm, những người lính như tôi không từ bất cứ con vật nào nằm trong tầm ngắm, từ voi, cọp, chồn, nai đến rắn, khỉ, vượn..., dù chúng tôi được lệnh bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Tôi ăn được thịt mọi con vật săn được, trừ thịt khỉ và thịt vượn, vì  mùi gây của chúng.

Vậy nhưng tôi lại là xạ thủ giết chúng, là thợ đặt bẫy bắt chúng! Trong quãng đời làm "thợ săn" ấy, có mấy sự kiện mà bây giờ vẫn ám ảnh tôi.
Dulichgo
Trường Sơn dài rộng thời kháng chiến ngút ngàn rừng rậm, nhưng thiên nhiên thật kỳ diệu, cứ vài ba dặm vuông lại có một trảng cỏ, một khoảnh đất trống, là nơi một số loài muông thú kiếm ăn, thư giãn, đông nhất là khỉ đến đùa nghịch, chọc phá nhau. Vì thế, để bắt được nhiều khỉ một lúc, có một lần tôi dùng nứa đan một cái thúng lớn, lót mấy lớp áo đi mưa của lính, đổ đầy nước suối pha ớt bột, đặt ở một trảng cỏ gần nơi trú quân, nấp trong lùm cây chờ bầy khỉ đến. Chỉ một chốc, con khỉ đực đầu đàn từ trên một cành cây thận trọng quan sát trảng cỏ rồi dẫn cả đàn ào đến cái thúng. Tính tò mò thôi thúc chúng vục tay vào nước, đưa lên mũi ngửi, cảm thấy cay, chúng lại dụi vào mắt.

Nước ớt làm cả bầy khỉ vàng gần như mù, lăn lộn kêu thét giữa trảng cỏ trong ánh hoàng hôn đỏ bầm như máu. Có một con khỉ mẹ quằn quại bò lết tìm đứa con nhỏ, tìm mãi không thấy con, nó càng dụi mắt, nước ớt bột, lại là loại ớt hiểm dưới tán rừng chúng tôi phải leo lên cành mới hái được, cay gấp nhiều lần ớt trồng, làm mắt nó như mù hẳn. Nhìn cảnh tượng ấy tôi không còn bụng dạ nào để bắt bầy khỉ "cải thiện" bữa ăn cho cả đại đội!

Một lần khác, tôi bắn một con khỉ đực mặt đỏ to lớn đang ôm con khỉ cái. Con khỉ đực ấy bị viên đạn K59 xuyên qua nách, hú lên mấy tiếng thê thảm, buông bạn tình. Con khỉ cái vội chụp lấy con khỉ đực, cả hai cùng rơi phịch xuống gốc cây. Tôi vừa dương súng lên định bắn con khỉ cái thì trong hơi tàn, con khỉ đực nhe răng, lết tới trước họng súng. Nhưng nó chưa kịp che chở cho bạn tình thì đã ngã nhúi nhụi, tắt thở, hai má nhòe nhoẹt nước mắt...

Từ hôm đó, tôi không bao giờ săn khỉ mà tìm cách gần gũi chúng như một cách chuộc lỗi lầm. Trong một lần xuyên rừng qua Tây Trường Sơn, tôi nhặt được một con khỉ vàng đực khoảng một tháng tuổi không hiểu sao ngồi một mình trên lối mòn, đặt tên là "Khỉ Thương" và nuôi nó cho đến khi "ly sơn" trong chiến dịch tổng tấn công dịp Tết Mậu Thân (1968).
Dulichgo
Lúc chia tay, tôi bảo Khỉ Thương hãy về với đồng loại, vì nhiệm vụ, tao không thể mang mày theo, nhưng nó không nghe, cứ lẽo đẽo theo tôi vào tận thành phố Huế. Bom đạn dữ dội quá, Khỉ Thương và tôi lạc nhau lúc nào không hay. Tôi tin Khỉ Thương không chết, vì với bản tính thông minh, nhanh nhẹn, nó đủ sức trở lại Trường Sơn, sinh con đẻ cái, và biết đâu chắt chít của Khỉ Thương bây giờ đang có mặt ở Hòn Lao, Đảo Rều - nơi khỉ được nuôi bán tự nhiên, hay Đảo Khỉ Cần Giờ - nơi có bầy khỉ bán hoang dã đông nhất nước.

Đảo Rều giữa vịnh Bái Tử Long diện tích tương đương Hòn Lao nhưng có rừng nguyên sinh rậm rạp, là hòn đảo được Bộ Y tế chọn nuôi khỉ vàng từ năm 1962 để phục vụ nghiên cứu và sản xuất vacxin phòng bại liệt, viêm gan A..., gần đây là phòng chống H5N1. Năm ngoái, khi ra thăm đảo, tôi được nghe kể, vì đàn khỉ ở Đảo Rều quá đông, phải chuyển bớt sang một đảo gần đó, nhưng ngay trong đêm đầu, những con khỉ đực bị tách khỏi bạn tình kêu gào dữ dội và vượt biển bơi trở lại. Khỉ cái ở Đảo Rều cũng gào thét thảm thiết, vượt biển tìm khỉ đực. Ngư dân Bái Tử Long chứng kiến những đôi bạn tình khỉ mừng vui ôm nhau giữa biển đêm mà thấm thía cái nghĩa của những con vật bị chê là "nhăn như khỉ”!

Người chăm khỉ trên Đảo Rều còn kể, đảo có nuôi một con chó lớn, khi nó ngủ, bọn khỉ từ trên cây thường nhảy xuống kéo đuôi trêu chọc làm con chó rất bực mình. Cũng như mọi hôm, trưa ấy, khi bị con chó vồ hụt, bọn khỉ choai choai bỏ chạy hết, vô tình có mẹ con khỉ đi qua, con chó tưởng đó là "thủ phạm", nhảy xổ vào cắn. Khỉ mẹ bị bất ngờ, chỉ kịp dùng tấm thân che cho con. Khi nhân viên của đảo chạy đến thì khỉ mẹ đã bị chó cắn chết, nhưng nó đã bảo vệ được con.

Lâm Viên hơn 2.000ha nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ 31.000ha, không biết ai đã gọi bằng cái tên khác: Đảo Khỉ. Có lẽ khi rừng ngập mặn Cần Giờ được khôi phục (từ năm 1978), những con khỉ vàng, khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) còn sót lại sau chiến tranh đã tụ về đây kiếm ăn, rồi  Lâm Viên trở thành khu du lịch, chúng phát triển ngày càng đông.
Dulichgo
Dù sống hoang dã nhưng do gần gũi con người mấy chục năm, những đàn khỉ ở Lâm Viên dạn đến mức chặn đầu xe xin ăn, bám theo du khách giật bất cứ thứ gì ăn được, nếu không thì giật kính mát, giật mũ rồi leo lên cây "đòi đổi" trái cây, bánh mì. Vừa rồi, khi ra Lâm Viên để "tìm hứng" cho thiên ký sự này, tôi đã bị một con khỉ vàng y hệt con Khỉ Thương năm nào giật cái "cùi bắp", vừa nhảy tót lên chảng ba một cây đước thì chuông reo, nó tức tốc nhảy xuống, đưa điện thoại cho tôi rồi ngồi chờ. Thì ra anh chàng đòi trả công! Nhìn nó nhận chùm chôm chôm, tôi nhớ Khỉ Thương đến thắt lòng. Ngày xưa Khỉ Thương nhận những chùm chôm chôm rừng tôi hái mang về cho nó, cũng y hệt con khỉ Lâm Viên này...

Theo Phương Hà, Phạm Đình Quát (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!