Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Bảy ngày xuân xứ Huế

(KPH) - Người Huế có câu “ba ngày Tết, bảy ngày xuân” để nói về thời điểm thảnh thơi nhất trong năm: tháng Giêng. Nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn, xong ba ngày Tết đã coi như hết Tết, nhưng tại mảnh đất cố đô, nơi hội tụ những làng nghề truyền thống với những lễ nghi chuẩn mực thì ba ngày Tết dường như chỉ là phần lễ còn những ngày còn lại mới thực sự là hội với đa dạng những chương trình đặc sắc.

Hội đu tiên

Cứ hai năm một lần, lễ hội đu tiên được diễn ra sôi nổi tại rất nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế như hội đu tiên làng Phước Yên (xã Quảng Thọ, Quảng Điền), làng Gia Viên (xã Phong Hiền, Phong Điền) nhưng đặc sắc nhất là hội đu tiên tại xã Điền Hòa (Phong Điền) với lịch sử lễ hội hơn 700 năm.

Đu tiên là cách gọi của hình thức đánh đu đôi, tức từng cặp (một nam, một nữ) thanh niên cùng lên đu so tài trong dịp đầu xuân năm mới. Để chơi đu, người ta dựng những cây tre già và thẳng được chọn ở khắp vùng để làm giá, sau đó trồng bên cạnh cây đu một cây cột và treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu.

Khi đánh đu, người chơi phải nhún sao cho đều, nhịp nhàng để đưa đu lên cao và giật lấy chiếc khăn hồng thì được xem là người chiến thắng. Khi đu lên cao, người chơi bay giữa không trung, nhìn thấy những người phía dưới đang cổ vũ rất nhỏ sẽ có cảm giác như đang ở tận cõi tiên. Thêm vào đó, trong một hội đu có nhiều hình thức chơi khác nhau nhưng phổ biến nhất và được ưa chuộng hơn cả là hình thức đu tiên, vì vậy tên gọi này được lấy làm tên của lễ hội.
Dulichgo
Từ thế kỷ XIV, trên mảnh đất Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế ngày nay) đã đề cập đến lễ hội đánh đu. Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên, Lê Văn Hưu... soạn thảo) có viết: “Ất Tỵ, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)…, mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về”.

Với mục đích tạo ra sân chơi vui vẻ, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, vụ mùa bội thu, lễ hội đu tiên được diễn ra rất sớm, ngay từ mồng 2, mồng 3 Tết và kéo dài tới tận mồng 10. Thường thì hội đu tiên không có giải thưởng cho những người thắng cuộc nhưng vẫn thu hút được đông đảo các nam thanh, nữ tú tham gia. Những đôi đu vừa cao, vừa nhún đẹp sẽ được tán thưởng bằng câu ca dao: “Nhún mình như thể nhún đu - Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm”. Cũng có nhiều đôi trai gái nhờ hội đu như vậy mà nên duyên chồng vợ.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hội đu tiên vẫn vững chãi tồn tại trong truyền thống văn hóa của các làng quê xứ Huế. Và những tên gọi Phước Yên, Gia Viên, Điền Hòa như cũng chung một mong ước với hội đu tiên vậy.

Hội đánh bài chòi Thủy Thanh

Cùng thời điểm tổ chức Hội đu tiên, hội đánh bài chòi tại làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy cũng được tổ chức hết sức rầm rộ và kéo dài tới tận mồng 10.

Đánh bài chòi không còn quá xa lạ với bất cứ người dân Việt Nam nào cũng như du khách khi tới Huế và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Đây được xem là một kho văn hóa truyền miệng quý báu của dân tộc ta, đã “được hình thành và phát triển sau quá trình Nam tiến của người Việt, tức là sau năm 1470” (La Rousse Musicale, Giáo sĩ G.L Bouvier, người Pháp gốc Phần Lan – người từng có mặt tại Việt Nam trong nhiều năm đầu thế kỷ XX và dành ra một chương trong cuốn sách của mình để nghiên cứu về bài chòi).
Dulichgo
Trong quá trình lao động và sinh hoạt, những điệu hò, câu hát đã được hình thành truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với rất nhiều những dị bản tùy vào mỗi vùng miền, trong đó các điệu hò, điệu lý (hò chèo thuyền, hò giã gạo, hò kéo vải... hoặc lý ngựa ô, lý con sáo, lý quét nhà...) thậm chí những câu thơ được sáng tác ngẫu hứng cũng được hòa quyện vào nhau trong những ván chơi với những tràng cười không dứt, tạo nên nét khác biệt cũng như sự đa dạng của đánh bài chòi.

Đánh bài chòi (cũng có thể gọi là hát bài chòi vì khi đánh bài, người chơi sẽ phải hô lên những câu thơ có vần điệu, nhịp nhàng tương ứng với mỗi con bài đang có trên tay) là hoạt động thường niên vào dịp tết Nguyên Đán nhằm mục đích tạo ra sân chơi cho mọi người sau một năm làm lụng vất vả. Người ta dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương. Bên cạnh người chơi, sẽ có một đội ngũ người điều khiển gồm người phát bài, người gom bài, người trao cờ, thu -chung tiền và quan trọng nhất là người rao bài thường do những bậc cao niên trong làng đảm nhận.

Bộ bài để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, gồm 33 lá, với những tên chuyển thành nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu… vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau. Bộ bài gồm 3 pho là pho Văn, pho Vạn và pho Sách, mỗi pho có 10 lá, vì phải có 33 lá nên thêm vào 3 lá nữa là: ông ầm đen, tử cẳng đen và cửu điều đen (để phân biệt với 3 lá cùng tên này nhưng màu đỏ) cho đủ bài chơi.

Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chẳng hạn khi rút trúng con “xưởng” thì người hô thai phải hô bài hát có chữ “xưởng”: “Hồi nào đói rách có qua - Bây giờ nên xưởng nên nhà thì lơ” là con “sáu xưởng”. Chòi nào trúng tên con “sáu xưởng” thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Khi đó, anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng. Nếu chòi nào “tam thắng” (tức có 3 lá cờ thể hiện 3 lần thắng) là được hội chơi tặng thưởng tiền tương đương một ván thắng. 9 hiệp chơi (hay còn gọi là ván) là hết một hội chòi. Cuộc chơi cứ thế tiếp tục cho đến khi vãn khách.
Dulichgo
Để giúp vui cho cuộc chơi còn có một ban nhạc cổ gồm đờn cò, kèn, sanh, trống hòa tấu lên khi có chòi "tới". Đặc sắc là thế cho nên những ngày xuân ở Huế, ai nấy đều nô nức rủ nhau về làng Thanh Thủy Chánh, không chỉ để ngắm cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng mà còn chung vui với hội bài chòi. Có câu : “Ai về cầu ngói Thanh Toàn - Cho em về với một đoàn cho vui”, dấu ấn văn hóa cộng đồng của nền văn minh lúa nước được trui rèn từ những hoạt động văn hóa ấy.

Hội vật

Ở Huế có hai hội vật nổi tiếng là hội vật làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, diễn ra vào ngày mồng 5 tết) và hội vật làng Sình (làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, diễn ra vào ngày mồng 10). Tuy nhiên, do chỉ cách trung tâm thành phố hơn 7km (về phía đông bắc) nên hội vật làng Sình hàng năm thu hút được đông đảo người dân và du khách thập phương tới tham gia hơn. Người dân làng Sình có câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày hội vật thì quay về Sình” hay “Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày hội vật mồng Mười tháng Giêng” như nhắc nhở con cháu về vốn truyền thống quý báu của địa phương cần được bảo tồn và phát huy theo năm tháng.

Sau nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của các bô lão tại đình làng, từng hồi trống dồn dập vang lên báo hiệu khai màn hội vật. Nếu như hội vật Thủ Lễ , vật Sình chỉ tiếp nhận những đô vật nghiệp dư tham gia tranh tài. Để vượt qua vòng loại, đô thiếu niên phải thắng 2 keo còn đô thanh niên thì phải 3 lần khiến đối thủ “lấm lưng trắng bụng”.

Người làng Sình quan niệm rằng hội vật năm nào thu hút được càng nhiều người xem thì năm đó càng làm ăn phát đạt và phải xong hội vật thì mọi người mới yên tâm làm việc. Cũng với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và tạo thêm sự hứng khởi cho năm mới, hội vật ở Huế vượt ra khỏi văn hóa của một làng quê cụ thể mà hòa chung vào nét văn hóa truyền thống độc đáo của cả đất nước.

Hội đua ghe

Vào các ngày mồng 7, mồng 8 Tết hàng năm, tại thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) và ở phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) diễn ra hội đua ghe sông Vực.
Dulichgo
Cũng với ý nghĩa như các lễ hội trên, các giải đua ghe hàng năm thu hút được đông đảo các đội chơi đến từ các tổ dân phố, các thôn trên địa bàn, mặc dù giải thưởng chỉ là một lá cờ dài treo trên ngọn tre và tiền thưởng chỉ như chút lộc đầu năm mà thôi. Trong cuộc đua bao giờ cũng có 9 đội tham gia tranh tài bao gồm cả đội hình nam và nữ, xuất phát tại vè trung tâm trước ban tổ chức hay còn gọi là "vè rốn" theo dân địa phương, và hai vè thượng lưu và hạ lưu ở hai đầu của đường đua. Các đội đua đối với nam trải qua một "rộ" tức một chặng đua do ban tổ chức quy định, gồm "3 vòng 6 tráo", đối với nữ là "2 vòng 4 tráo" đi qua các vè cho trước.

Tương ứng với 9 đội thi sẽ có 9 giải được trao cho các đội, trong đó 7 giải dành cho nam và 2 giải dành cho nữ ứng với 7 giải tiền, 1 giải cúng và 1 giải phá. Như kinh nghiệm của các "tay bơi" và người cổ vũ, "giải phá" là giải đáng mong chờ nhất, chứng tỏ sức mạnh và sự bền bỉ đến phút chót của đội ghe năm đó.

Hội đua ghe cũng được tổ chức tại vịnh Lăng Cô (huyện Phú Lộc) vào sáng mồng 6 Tết hàng năm, được xem như một điển nhấn du lịch gây nhiều hứng thú cho du khách thập phương khi đến Huế. Đặc sắc nhất, cứ ba năm một lần, giải đua ghe trên phá Tam Giang được tổ chức tại làng Thai Dương (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) vào ngày 12 tháng Giêng gắn liền với lễ hội cầu ngư cũng được đánh giá là một trong những lễ hội độc đáo nhất của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tên gọi làng Thai Dương với ý nghĩa là nơi đón ánh bình minh đầu tiên của vùng ven biển này càng khiến cho người đi, kẻ ở vẫn hoài nhắc câu ca:

“Vò vọ mà chấm muối rang
Đi mô cũng nhớ Thuận An mà về”.

Lễ hội đền Huyền Trân công chúa

Huyền Trân công chúa là là con gái của vua Trần Nhân Tông, để giữ mối hòa hảo và thắt chặt bang giao mà công chúa được vua cha gả cho vua Chế Mân, trở thành hoàng hậu của đất nước Chiêm Thành khi mới 19 tuổi Hơn một năm sau, vua Chế mân băng hà. Theo tục lệ, hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để tuẫn tiết theo vua. Nghe tin, vua tôi nhà Trần đã cử tướng Trần Khắc Chung sang viếng và tìm cách cứu công chúa. Về nước, theo di nguyện của vua cha, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn (Bắc Ninh) và lấy pháp danh Hương Tràng.
Dulichgo
Để biết ơn người có công mở mang bờ cõi, tạo nên mảnh đất Thừa Thiên và tỉnh Quảng Trị ngày nay, nhân ngày mất của công chúa Huyền Trân là ngày mồng 9 tháng Giêng, người dân Huế tổ chức lễ hội đền Huyền Trân tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (151 đường Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế).

Trước ngày lễ hội chính, tại Thiền viện Hương Vân tổ chức đại lễ cầu nguyện Quốc thái dân an rất trọng thể. Đây là một hoạt động đã được duy trì hơn 721 năm với nhiều giá trị truyền thống.

Sau đại lễ, hội đền Huyền Trân công chúa chính thức được bắt đầu với nhiều hoạt động như viết thư pháp, tụng kinh cầu nguyện Quốc thái dân an, chơi cờ tướng, cờ người, võ thuật cổ truyền, hò giã gạo… hết sức sôi nổi. Hàng năm, lễ hội thu hút hàng ngàn lượt khách với tấm lòng hướng về nguồn cội.

Hướng đến việc xây dựng thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố Huế nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng có đầy đủ cơ sở để phát triển thông qua những hoạt động bảo tồn và phát huy những tầng giá trị văn hóa vốn có của mỗi địa phương, tạo nên hệ thống những “đặc sản” chẳng nơi nào có được. Những giá trị đó sẽ “tiếp thêm sức mạnh của nền văn hóa đương thời và nâng nó lên ngang tầm với sự phát triển kinh tế và sự phồn vinh của xã hội” như tổ chức UNESCO từng nhận định.

Theo Khám Phá Huế
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét